ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ HẠN CHẾ ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp biển Đông. Bà Rịa – Vũng Tàu nằm ở vị trí rất đặc biệt là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra biển Đông, có ý nghĩa chiến lược về đường hàng hải quốc tế, có hệ thống cảng biển lớn là đầu mối tiếp cận với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng là tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế như dầu khí, cảng và vận tải biển, sản xuất – chế biến hải sản và đặc biệt là du lịch… Tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không phát triển khá đồng bộ, rất thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế. Trong những năm gần đây, kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12 %/năm. Nhiều khu đô thị, dân cư, khu – cụm công nghiệp, cảng biển và du lịch được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đã làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao lưu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực trong và ngoài tỉnh. Hệ quả sẽ dẫn đến tình trạng một số tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh bị quá tải và gây ùn tắc giao thông.

Với nhu cầu giao thông gia tăng cao tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nhiều hơn về số điểm và thời gian ùn tắc. Có thể kể đến là các trục đường đô thị chính yếu và các nút giao thông trên địa bàn thành phố Vũng Tàu; tuyến Quốc lộ 51, đoạn qua thị xã Phú Mỹ, tại các điểm giao cắt với các trục đường ngang kết nối vào, đặc biệt là khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là trong quá trình lập quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển… nhu cầu vận tải đường bộ chưa được tính toán một cách đầy đủ. Mặt khác, là tỉnh có thế mạnh lớn về du lịch với các điểm du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với các bãi biển, các điểm tham quan gắn liền với tài nguyên là di tích lịch sử, công trình kiến trúc, các điểm tâm linh… đang thu hút được nhiều khách du lịch cũng là một nguyên nhân tạo ra dòng giao thông có mật độ cao đi/đến tỉnh và cộng hưởng cùng với dòng giao thông địa phương, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tình trạng diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên hành lang kết nối giao thông thành phố Hồ Chí Minh,  Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, mà cụ thể là trục cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành và Quốc lộ 51.

Trước bối cảnh nêu trên, tỉnh cần phải có phải có các cơ chế, chính sách và các giải pháp đồng bộ về tổ chức giao thông, quản lý nhu cầu giao, phát triển vận tải hành khách công cộng, ừng dung khoa học công nghệ, tuyên truyền vận động người dân chấp hành luật giao thông và có ý thức tốt trong tham gia giao thông… để thực hiện được mục tiêu đáp ứng nhu cầu giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông. Và mục tiêu dài hạn sẽ hình thành các chuỗi đô thị du lịch, cảng biển… thông minh trên địa bàn tỉnh với hệ thống giao thông đường bộ được tổ chức và kiểm soát hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Đây là xu thế tất yếu của các đô thị văn minh, hiện đại trên thế giới hiện nay.

Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI đã chỉ đạo khẩn trương triển khai việc “Xây dựng các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là nhiệm vụ cấp bách cần sớm được thực hiện (Văn bản số 10531/UBND-VP ngày 30/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Trước tình hình nêu trên, việc triển khai nghiên cứu “Đề án xây dựng các giải pháp tổng thể hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tính đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.