Đề xuất đổi hướng tuyến đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ

Tuyến đường sắt cao tốc được đề xuất điều chỉnh hướng để đi song song bên trái Vành đai 3 qua TP HCM và Bình Dương, nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Đề xuất trên được PGS.TS Nguyễn Văn Trình, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Vùng và đô thị, đưa ra tại hội thảo Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ, ngày 12/4.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình nói tại hội thảo. Ảnh: Gia Minh

PGS.TS Nguyễn Văn Trình nói tại hội thảo. Ảnh: Gia Minh

Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao, được quy hoạch 10 năm trước, dài 174 km, đi qua 6 địa phương, gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tuyến ở ga An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng). Riêng đoạn đi qua TP HCM dài 33 km, đi song song bên trái Vành đai 2.

Dự án được nghiên cứu với tổng mức đầu tư khoảng 9 tỷ USD, thiết kế tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435 mm. Tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h. Đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư công trình theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ). Tuyến đường sắt dự kiến được triển khai trước 2030.

Hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Đồ họa:Khánh Hoàng

Hướng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ. Đồ họa: Khánh Hoàng

Theo ông Trình, sau nhiều năm quy hoạch, dự án chưa được triển khai trong khi dọc Vành đai 2 TP HCM đô thị đã phát triển mạnh. Đây sẽ là trở ngại rất lớn để giải phóng mặt bằng khi làm đường sắt cao tốc, về cả chi phí và thời gian. Ông dẫn chứng hai đoạn chưa khép kín thuộc tuyến vành đai qua TP Thủ Đức, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng gần 12.000 tỷ đồng. Mức này cao hơn nhiều lần giá đền bù Vành đai 3.

Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc thành đi song song về bên trái Vành đai 3. Theo đó, điểm đầu tuyến ở ga An Bình, sau đó theo hành lang đã quy hoạch đến ga Dĩ An, Bình Chuẩn rồi rẽ trái đi theo Vành đai 3 đến gần cao tốc Bến Lức – Long Thành. Từ đây, tuyến đi về Cần Thơ theo quy hoạch cũ. Phương án này được cho sẽ tạo tiềm năng lớn để phát triển các khu đô thị mới, góp phần phát triển giao thông công cộng.

Làm rõ thêm về đề xuất này, TS Trịnh Văn Chính thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết nếu đường sắt cao tốc chạy song song Vành đai 3 sẽ chỉ cần mở rộng thêm khoảng 20 m bên cạnh tuyến vành đai, giúp giảm diện tích giải phóng mặt bằng thay vì theo phương án cũ.

Phương án này cũng được cho sẽ giúp tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng vì tránh các khu dân cư, đô thị, đồng thời nhờ gần Vành đai 3 (tuyến được qua hoạch là cao tốc) giúp hình thành mạng lưới đường bộ, sắt… có khối lượng chuyên chở lớn. Đây cũng là điều kiện thích hợp cho phát triển đô thị theo định hướng phục vụ giao thông công cộng (mô hình TOD).

Theo phương án mới được đề xuất đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ sẽ đi song song bên trái Vành đai 3 thay vì Vành đai 2. Đồ họa: Khánh Hoàng

Theo phương án mới được đề xuất đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ sẽ đi song song bên trái Vành đai 3 thay vì Vành đai 2. Đồ họa: Khánh Hoàng

Tại hội thảo, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng ý tưởng trên rất mới, song cần thêm các thông số cụ thể để đánh giá tác động. Bởi khi điều chỉnh hướng tuyến dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn quy hoạch trên diện rộng.

Mặt khác, theo ông việc chỉnh lại hướng tuyến đường sắt cao tốc cũng làm thay đổi cơ cấu vận chuyển giữa hành khách và hàng hoá. Theo đó, nếu chuyển hướng tuyến công trình ra xa nội đô hơn như để xuất khả năng vận chuyển khách có thể bị giảm. Ngoài ra, đề xuất cũng chưa tính đến khả năng kết nối vào mạng lưới đường sắt khác trên trục Bắc – Nam, Biên Hoà – Vũng Tàu…

“Phương án mới cũng cần làm rõ tổng mức đầu tư dự án, trong đó phải tiết kiệm tối đa so với phương án quy hoạch”, ông Chung nói và cho biết ý tưởng trên sẽ được Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận, song đề nghị nghiên cứu sâu thêm.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM cho rằng ý tưởng trên khó khả thi bởi Vành đai 3 sẽ khởi công vào tháng 6 tới. Tuyến đường này đang được giải phóng mặt bằng toàn bộ theo quy hoạch, nên việc bổ sung thêm hành lang (20 m) cho đường sắt cao tốc sẽ không phù hợp vì phải giải tỏa thêm.

Nguồn:https://vnexpress.net/de-xuat-doi-huong-tuyen-duong-sat-cao-toc-tp-hcm-can-tho-4592654.html